Mode:         

















Chi tiết tin tức
Giáo dục công dân và đạo đức học sinh
Người đăng: .Ngày đăng: 14/08/2014 .Lượt xem: 2587 lượt.
Trước tình trạng xuống cấp về đạo đức của một bộ phận học sinh, nhiều người đặt vấn đề: phải xem xét lại cách dạy môn Giáo dục công dân (GDCD) trong nhà trường

Tình trạng học sinh (HS) xé bài trước mặt thầy cô vì bị điểm thấp, quay cóp, nói tục, nói dối, tẩy xoá sửa điểm… đang diễn ra ngày một phổ biến. Không những thế còn diễn ra cảnh học trò đánh thầy cô ngay trong trường học, học trò chia băng phái “thanh toán” nhau ngay trước cổng trường, rồi tệ nạn nghiện hút, vi phạm pháp luật… Nhiều người nhận xét, thanh thiếu niên ngày nay có biểu hiện sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, tiêu xài hoang phí, lười lao động, sống ích kỷ...

Những con số này cho thấy, càng lớn, ý thức, đạo đức của HS càng đi xuống. Bên cạnh đó, tỉ lệ phạm tội của người trẻ cũng ngày một tăng cao. Theo thống kê của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, nếu năm 1986 có 3.607 người chưa thành niên phạm tội bị phát hiện thì đến năm 1996, con số này là 11.726 em. Sự gia tăng đột biến của tệ nạn ma túy học đường ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối. Nếu như năm 2004, chỉ có 600 HS, sinh viên nghiện ma túy, thì đến năm 2007, con số này đã tăng lên 1.234 HS, sinh viên.

Vì sao đạo đức HS lại xuống cấp như thế, trong khi môn GDCD vẫn được dạy liên tục từ tiểu học đến các bậc học cao hơn?

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Việt Nam, tỉ lệ HS đi học muộn: tiểu học 20%, THCS 21%, THPT 58%; tỉ lệ quay cóp: tiểu học 8%, THCS 55%, THPT 60%; tỉ lệ nói dối cha mẹ: tiểu học 22%, THCS 50%, THPT 64%; tỉ lệ không chấp hành ATGT: tiểu học 4%, THCS 35%, THPT 70%.

Theo phản ánh của giáo viên và HS, chương trình SGK môn GDCD quá ôm đồm, nặng về lý thuyết, chưa chú ý trang bị cho các em kỹ năng sống. Nhiều giáo viên cũng chưa đổi mới về phương pháp giảng dạy để môn học hấp dẫn HS. Ở trường, quan hệ thầy trò mờ nhạt, ở nhà, cha mẹ thì bận lo công việc, trẻ không được trang bị những kỹ năng tối thiểu cũng như cách ứng xử trong cuộc sống.

Rõ ràng, việc giáo dục đạo đức cho thanh thiếu niên đang trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu, trong đó nhà trường, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng.

Cô Huỳnh Thị Minh Lý, Tổ trưởng tổ GDCD Trường Lê Hồng Phong -TP.HCM: Môn Giáo dục công dân quá nặng về lý thuyết

Môn GDCD thiên về lý thuyết, mang tính hàn lâm, chưa đưa ra những bài học giúp HS giải quyết những tình huống trong cuộc sống. Theo tôi, môn GDCD cần định hướng cho HS định hình về quan điểm, lối sống, nhận biết những thay đổi hàng ngày của xã hội. Trong giờ học nên cho HS được trao đổi với thầy cô, bạn bè những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống. Hiện nay, nhiều HS có lối sống buông thả, tiếp thu những nếp sống không lành mạnh. Môn GDCD cần giúp HS hiểu được cần phải giữ lại những nét văn hoá truyền thống của Việt Nam. HS học GDCD để biết ứng xử trong cuộc sống đời thường, biết sống thế nào để dung hoà được với cộng đồng, không quá ích kỷ.

Cô Phan Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính, Hà Nội: Giáo dục công dân phải có có sức lôi cuốn

Nhiều HS, giáo viên, phụ huynh coi môn GDCD là môn phụ. Cô giáo giảng, HS nghe trên lớp “thấm” được cái gì thì “thấm”, về nhà là “quẳng” sách vở, không xem lại. Hơn nữa, chương trình và SGK cũng có một số bất cập khiến cho cả giáo viên và HS khó tiếp thu. Do vậy, mức độ dạy và học của môn GDCD không được như mong muốn của những nhà viết sách.

Vấn đề đặt ra là, cần phải đổi mới phương pháp để có cách dạy phù hợp, lấy lại vị thế cho môn học này. Làm sao để môn GDCD có tác dụng đào tạo con người tích cực, góp phần hình thành nhân cách HS. Điều quan trọng là giáo viên phải biết cách làm cho giờ học GDCD không khô cứng, có sức lôi cuốn HS.

Cô Đặng Bích Ngọc, giáo viên Trường THCS Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội: Giáo viên phải gần gũi, thân mật với học sinh

Nếu giáo viên dạy dập khuôn theo SGK thì môn GDCD rất khô cứng, giáo điều, HS rất khó hiểu. Những cô giáo dạy môn GDCD thành công đều dạy theo cách giáo viên dẫn dắt vấn đề, đưa kiến thức và tình huống từ bên ngoài cuộc sống vào giờ học rồi để HS tự do nói ra những suy nghĩ của mình. Dạy theo cách này HS rất thích vì được “phát ngôn” theo sự hiểu biết của mình gắn với bài học. Giáo viên phải gần gũi, thân mật với HS để các em coi như người bạn tâm giao, có vướng mắc là hỏi ngay mà không ngại.

Nhà trường cũng nên tổ chức giáo dục đạo đức cho HS thông qua các hoạt động ngoại khóa để giúp HS hiểu rõ hơn các "chuyển động" trong đời sống xã hội./.

                                                                                                                                                     Nguồn: Thu Hằng

[Trở về]

Các tin mới hơn:
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael W.Michalak: Việt Nam có những tiến bộ tích cực về nhân quyền (Ngày đăng: 14/08/2014 )
Tản mạn về cuộc sống (Ngày đăng: 14/08/2014 )
Văn hóa ứng xử của giới trẻ (Ngày đăng: 14/08/2014 )

TRƯỜNG THPT TRẦN CAO VÂN - THÀNH PHỐ TAM KỲ, TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Phường An Mỹ, Tp.Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại : 02353.812366 - Email: info@tcv.edu.vn