"Giảm yêu cầu báo cáo từ Bộ, giảm hội nghị hội thảo để tăng cường hoạt động chuyên môn" là mục tiêu được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đặt mục tiêu thay đổi trong năm 2011.
Cụ thể, Bộ sẽ cắt giảm 50% các hội nghị, hội thảo (dự kiến năm 2011, Bộ có khoảng 258 hội nghị, hội thảo, chưa kể một số cuộc phát sinh). Trong đó, có 60 hội nghị, hội thảo ở cấp ngành, 128 hội thảo, tập huấn chuyên môn, báo Tuổi Trẻ cho biết.
Trong hội nghị giao ban công tác của ngành GD-ĐT Hà Nội cuối năm 2010, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nêu tình trạng "trên - dưới không hài lòng".
Ông lấy ví dụ, có tình trạng các cơ quan của Bộ than phiền, dù có công văn yêu cầu các trường báo cáo về kết quả thực hiện chỉ thị "3 công khai", nhưng thường chỉ nhận được 1/3 số trường báo cáo.
Trong khi đó, "bên dưới phàn nàn bắt báo cáo nhiều quá, hết vụ này đến vụ kia, báo cáo xong lại báo cáo, báo cáo rồi báo cáo nữa! Có lãnh đạo phân trần "chỉ ngồi soạn báo cáo gửi Bộ, cộng với thời gian đi họp cũng hết thời gian".
Một thực tế khác được người đứng đầu ngành giáo dục dẫn ra theo phản ánh từ cơ sở:
"Các đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ cứ xếp hàng xuống trường, xuống địa phương. Có khi đoàn này chưa đi, đoàn khác đã tới. Lại có những tỉnh, trong 2-3 năm chả có ai đến.... ".
Những nơi này lại "muốn được lãnh đạo xuống kiểm tra, hướng dẫn chỉ đạo về chuyên môn". Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) Nguyễn Văn Hậu bày tỏ mong muốn các phòng, ban của Sở GD-ĐT về địa phương kiểm tra chuyên môn "để thấy "khoảng trống giáo dục" ở Mỹ Đức rất lớn, nằm ngoài "tầm tay" của Phó Chủ tịch phụ trách văn xã.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, việc đổi mới về quản lý của Bộ sẽ thực hiện trên tinh thần cấp trên không làm thay việc cấp dưới có thể làm được, làm tốt hơn. Trung ương không làm việc địa phương có thể làm.
Kiều Oanh