Trước hết, phải nắm vững những kiến thức cơ bản nhất để đáp ứng cho bài làm ở cả phần chung và phần riêng. Kiến thức đó ví như “nguyên vật liệu” cần thiết để xây dựng và hoàn thành bài văn. Tuyệt đối không xem nhẹ hay bỏ câu nào. Thông thường các bạn sợ nhất là câu tái hiện kiến thức vì phải học và ghi nhớ nhiều kiến thức. Tuy nhiên, nếu không làm được câu này thì rất có thể bài văn không đạt điểm trung bình. Sẽ không quá nặng nề nếu bạn nắm được phương pháp và cách thức làm bài.
Đối với bài văn nghị luận xã hội, ngoài việc phải thu thập thông tin, đọc nhiều để có kiến thức xã hội, bạn cần phải nhớ bố cục của từng dạng bài nghị luận (về một tư tưởng đạo lý hay một hiện tượng đời sống). Khi đọc đề, phải xác định ngay đề thuộc dạng nghị luận nào. Từ đó viết dàn ý sơ lược theo bố cục của dạng đề đó ra giấy nháp, cân nhắc kỹ để chắc chắn không lạc đề, không lộn bố cục, triển khai đúng yêu cầu rồi mới viết. Những lỗi các bạn thường mắc phải là không triển khai bài văn đúng, đủ thao tác do không lập dàn ý trước dẫn đến bài văn sơ sài, thiếu ý, bố cục lộn xộn.
Ở bài nghị luận văn học, phải thật sự hiểu và cảm được văn bản tác phẩm. Làm văn là trình bày những hiểu biết của mình về những vấn đề của tác phẩm, làm sao cho người đọc thấy được cái hay, cái đẹp và những vấn đề tư tưởng mà thông qua tác phẩm nhà văn, nhà thơ muốn đề cập. Vì thế, phải đọc kỹ văn bản văn xuôi, ghi nhớ những dẫn chứng cần thiết; thơ thì phải thuộc nằm lòng, không thuộc không thể cảm được thơ.
Học tốt môn văn không thể một sớm một chiều mà phải có quá trình và ôn luyện thường xuyên. Thời gian không còn nhiều, bạn cần xác định phương pháp học tập: Nắm vững từng vấn đề tác phẩm, hiểu được tư tưởng mà tác giả đề cập... Tuyệt đối không học thuộc lòng bài văn mẫu. Bởi lẽ "mẫu” không phải là “mẫu mực” và cũng không thể nhớ hết. Hơn nữa đề thường rất đa dạng, đòi hỏi bạn phải tư duy, phải biết lập dàn ý sao cho phù hợp.
Chỉ nên đọc văn mẫu trên tinh thần tham khảo để có thêm tư liệu, học cách triển khai, diễn đạt và làm giàu cho vốn ngôn ngữ của mình. Và chỉ đọc sau khi đã nắm kỹ nội dung kiến thức cơ bản mà mình được học, tránh sa đà, học theo sự cảm nhận của người khác.
Bài làm văn còn được coi là sản phẩm tinh thần của sự sáng tạo mà bạn là chủ thể. Văn chương luôn đòi hỏi cảm xúc nên bạn phải cố gắng “thổi hồn mình” vào bài viết. Chỉ đặt bút làm bài khi đã thật sự hiểu đề, có kế hoạch triển khai đề và biết mình phải làm gì. Một người đi đường sẽ đi đến địa điểm mình muốn rất nhanh nếu biết phương hướng và cách thức đi. Làm bài văn cũng thế.
(Nguồn TTO)