Mode:         

















Chi tiết tin tức
Mẹ và chùm nhớ
Người đăng: .Ngày đăng: 14/08/2014 .Lượt xem: 2697 lượt.
Mỗi lần con về thăm nhà, ngang qua cánh đồng đầu ngõ lại thấy lòng da diết lạ. Dường như là nhớ. Kỷ niệm chẳng thể nhạc nhòa cùng năm tháng, kỷ niệm như mới hôm qua ngày con còn mẹ. Cánh đồng xanh con thấy mẹ đương làm cỏ, cánh đồng vàng con thấy mẹ nón trắng nhấp nhô, và cánh đồng của những chiều con thấy mẹ quảy gánh ra cắt rau lang về cho lợn...Mẹ, con chẳng biết dùng ngôn từ nào để diễn tả nỗi nhọc nhằn trên đôi vai gầy guộc mà vững chải. Cha là thương binh, từ chiến trường, cha mang về cho mẹ hàng chục vết thương, đôi chân khập khiễng, đôi cánh tay của người đàn ông đắc lực từng che chở cho mẹ cũng chỉ còn một...và những đêm đau nhức.

Để viết, để nhớ, để hồi tưởng... về mẹ chắc ai cũng như con, sẽ kể bằng tất cả tình cảm yêu thương nhất, quý trọng nhất, và đôi khi vì xúc động mà rời rạc, mà đứt quãng, bởi có ai mà không thấy mẹ mình hiền, mẹ mình bao dung và thương yêu mình nhất nhất.
Nhớ lúc con còn bé, cỡ đến tháng ba, hễ thấy mẹ chuẩn bị ra thổ, con lẻo đẻo đòi theo, mẹ bế con bỏ vô một đầu thúng, thúng bên kia là phân hoi bón mấy luống cà vừa nụ. Để bây giờ đi làm về, ngang qua phố giữa trưa, hễ thấy bà già quảy gánh đi ngang qua, con thấy thương thương và lòng chợt nhớ mẹ.
Nhớ bụi chuối sau hè, con dại, giả vờ trốn mẹ, mẹ khóc, hốt hoảng đi tìm khi trời tối thui thui. Bụi chuối giờ trở nên xanh um sau hè mẹ ạ, không xác xơ như ngày xưa bị tụi con vặt lá chơi đồ hàng.
Và nhớ những chiều mưa giông, mẹ ướt cóng dắt trâu về trong lạnh lẽo, còn con vô tư đùa bên nhà hàng xóm, mẹ vội vã lấy nón qua che về, mình mẹ ướt dưới mưa.
Rồi nhớ những buổi chợ xa mẹ về, con chạy lại lục gánh tìm kẹo mà vô tâm không biết nắng đã đốt mẹ thế nào trên đường về, để thay vào đó là rót cho mẹ một ly nước chè đặc…
Nhìn vào đâu, con cũng thấy nhớ mẹ, từ hàng rào dâm bụt đỏ chói có dây mồng tơi quấn chặt. Con nhớ mình đã hỏi “nghèo sao để gọi là nghèo rớt mồng tơi hả mẹ?” Khi nghe mẹ hát ru em qua câu đó. Mẹ bảo “như nhà mình”. Rồi lại hát ầu ơ… Hay nhớ chái bếp mẹ thường ngồi sàn gạo, lặt rau, giả chuối, vá đồ...để mỗi khi chơi chán về, con chạy thẳng ra tìm, “có gì ăn không mẹ?”. Mẹ cười, “vô bếp có củ khoai…”.
Nhà mình nghèo, mẹ tần tảo sớm khuya, nhưng con chưa bao giờ nghe tiếng mẹ thở than trước cha, trước lũ con nheo nhóc. Mẹ yêu cha, anh chàng mồ côi xóm bên nghèo khó . Rồi mẹ sinh ra anh hai, chị ba, rồi đến con. Cha đi bộ đội, khi thằng út vừa tượng hình trong bụng mẹ. Một mình mẹ vượt cạn trong đêm mưa, khi anh hai chạy qua hàng xóm gọi hoài mà không thấy người ta ra mở cửa. Máu, khiến chị ba hoảng lên tái mét, còn con, con bé lên tám vội chạy đi tìm cho mẹ cái hái sau hè. Vậy là chúng con có thêm thằng em, ba mẹ có thêm hằng cu đáng yêu, xinh như trong cổ tích. Nhiều ngày sau anh hai vẫn không thôi trách giận người hàng xóm, mẹ bảo “thời loạn lạc, đêm khuya, và mưa...”. Mẹ muôn đời của chúng con vẫn thế, thật hiền.
Làm sao con quên khi thằng tí lên hai, ngày mùa mẹ phải dậy sớm ra đồng, mẹ để em ở nhà với con. Ở cái tuổi lên mười, con mải chơi nhảy dây với tụi con Thương, để em ngồi một mình ở góc sân kiến bu cắn sưng tấy hết cả hai chân, mẹ về mắt mẹ đỏ hoe nhìn thằng tí, chạy tìm hộp dầu không ra, mẹ vội qua nhà hàng xóm...Để con Thương kêu bảo “chó nhà bên cắn mẹ mày”. Cha về mẹ chỉ nói đến vết sưng của thằng em mà không hề nói gì đến gót chân trầy trụa máu của mẹ. Con vô tâm cũng không nhớ đến lời con Thương. Cha không biết và cho đến nhiều ngày sau đó nữa căn bệnh dại đã cướp đi mất mẹ. Mẹ đã mãi không còn bên chúng con nữa.
Đến lúc ấy con mới thấm thía được nỗi đau mất mẹ, một nỗi đau mà cho đến bây giờ, khi đã trãi qua nhiều gian khổ trong cuộc đời con vẫn không tìm thấy nỗi đau nào bạo liệt hơn thế. Nó làm con khánh kiệt, để nhiều lần về thăm quê, con không dám đối diện với di ảnh nơi bàn thờ của mẹ. Con sợ ánh nhìn đó khiến con day dứt nhớ về kỷ niệm, về sự vô tâm của mình ngày con còn có mẹ. Cái gì khi mất đi con người ta thường thì mới thấy nuối tiếc, còn khi đang nắm giữ mấy ai nghĩ đến lúc nó sẽ vụt khỏi tầm tay. Con cũng vậy, con đã không biết làm mẹ vui hơn khi ngày con còn mẹ. Từ chuyện chơi, ngủ, học hành lúc nào cũng để mẹ lo lắng không yên. Trong khi mẹ phải lo nhiều chuyện gia đình và cả thằng em còn thơ dại. Con là đứa con gái mà nghịch ngợm nhất nhà, cá tính, nên mỗi lần đi tìm con mẹ lại hỏi thăm ở đám con trai. Đánh lộn, bắn bi, chơi ná đâu phải trò của con gái phải không mẹ? Để cứ hễ bị cha bắt đòn mẹ phải ngăn cản, bao dung.
Ngày mẹ ra đi, con hụt hẫng, đớn đau tưởng chừng con không thể đứng nổi giữa cuộc đời. Anh hai, chị ba học đại học xa nhà kịp về để tang mẹ trong đau đớn khôn cùng. Còn con, con đau thêm với nỗi đau khác, nỗi đau của niềm ân hận.
Suốt nhiều ngày, nhiều tháng sau ngày của buổi chiều mưa đưa tiễn mẹ, con đã trở nên lớn hơn nhiều. Để đôi khi tự mình vá cho cha cái quần, kết nuốc cho thằng em cái áo, con ước gì mẹ còn sống, thấy mẹ quảy gánh về ngoài sân con chạy ù ra để mà khoe với mẹ. Rồi khi con có kỳ kinh đầu tiên, con bối rối mà phải tự lo lấy khi không còn mẹ kề bên chỉ dẫn. Con nhớ lúc đó, thằng út đang chơi hốt hoảng chạy ra vườn gọi cha, “cha ơi chị tư bị chảy máu ở đùi”. Hay khi con đậu tốt nghiệp thủ khoa chợt con thấy lòng nghẹn lại khi không còn mẹ để mà nhảy cẫng lên, chạy ù sà vào mẹ mà vui mừng. Con lớn từng ngày, khôn ra từng giờ nhưng mẹ đã không còn có để mà khen, mà động viên con nữa.
Ngày chị ra trường cũng là ngày con vào đại học, đồng phụ cấp ít ỏi của cha không làm anh em chúng con nhụt chí với những giấc mơ đẹp hằng đêm nung náu. Anh hai mơ đứng chỉ tay trên những chiếc cầu mới, chị ba mơ giấc mơ màu bụi phấn, cả hai đã thành hiện thực. Còn con, con đã mơ nhiều lắm, cũng có những ước mơ đã cho con mãn nguyện, nhưng đến bây giờ có một giấc mơ con biết sẽ mãi không bao giờ trở thành hiện thực nữa trong cuộc đời.

                                                                                                                                                  Tạp bút Huỳnh Yên
 

[Trở về]

Các tin mới hơn:
NGOẠI TÔI (Ngày đăng: 14/08/2014 )

TRƯỜNG THPT TRẦN CAO VÂN - THÀNH PHỐ TAM KỲ, TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Phường An Mỹ, Tp.Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại : 02353.812366 - Email: info@tcv.edu.vn