Mode:         

















Chi tiết tin tức
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael W.Michalak: Việt Nam có những tiến bộ tích cực về nhân quyền
Người đăng: .Ngày đăng: 14/08/2014 .Lượt xem: 4349 lượt.
Hôm qua 6.1, tại Hà Nội, Đại sứ Mỹ tại VN Michael W.Michalak có cuộc họp báo kết thúc nhiệm kỳ công tác tại VN. Dưới đây là một số trao đổi của ông với báo chí VN và quốc tế tại cuộc họp này.

Thách thức lớn nhất là có một hệ thống giáo dục đẳng cấp

Điều gì ấn tượng nhất đối với ông sau nhiệm kỳ tại VN? Ông có thông điệp nào gửi đến những người trẻ ở VN?

Điều mà tôi ấn tượng nhất là con người VN. Người VN rất nồng ấm và thẳng thắn, tràn đầy nhiệt huyết, có tinh thần kinh doanh và luôn tìm cách để thành công. Và tôi nghĩ rằng đó là những giá trị cần thiết để VN có thể phát triển thành nước có mức thu nhập trung bình và thực sự trở thành một nước phát triển trong tương lai.

Với các bạn trẻ VN, tôi khuyên họ nên học tiếng Anh thật tốt. Đó là điều quan trọng để có thể giúp họ tham gia vào phát triển kinh tế đất nước.

Theo ông đâu là thách thức lớn nhất của VN hiện nay?

Nếu như phải nêu ra một thách thức lớn nhất thì tôi tin rằng có được một hệ thống giáo dục đạt đẳng cấp thế giới chính là thách thức lớn nhất của VN. Bất cứ thách thức nào mà chúng ta nhắc tới từ kinh tế, hạ tầng, chính trị... đều cần những người có năng lực trí tuệ, có những công cụ tri thức để phân tích và nêu ra giải pháp. Chúng ta đang đi vào kỷ nguyên kinh tế tri thức và chúng ta cần một nền giáo dục tốt…

Thúc đẩy hợp tác giáo dục là ưu tiên hàng đầu của ông trong nhiệm kỳ tại VN, vậy ưu tiên này có được tiếp tục với ngài Đại sứ mới không?

Giáo dục là ưu tiên cao nhất của tôi. Có nhiều sinh viên VN đi học ở Mỹ cũng như các nước khác là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển của VN... Tôi cũng từng làm việc với ngài David Shear (người dự kiến sẽ thay ông trong vài trò Đại sứ Mỹ - PV) và được biết ông ấy cũng coi giáo dục là một mối ưu tiên cao. Một trong những điều đầu tiên mà tôi sẽ nói với ông ấy như một người anh với một người em, đó là cần tiếp tục những công việc tốt về hợp tác giáo dục đang được thực hiện ở đây...

Kết thúc nhiệm kỳ ở VN, ông muốn được nhớ đến như thế nào? Ý kiến của ông về vấn đề nhân quyền ở VN?
Tôi đã có nhiều dịp gặp ngài Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lần nào chúng tôi cũng nói về nhân quyền. Nếu tôi không nêu vấn đề nhân quyền ra thì đích thân ngài Chủ tịch nước cũng nói đến vấn đề đó
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Michael W.Michalak
Tôi muốn được nhớ đến như một đại sứ đã giúp cải thiện sự gắn bó, lòng tin cũng như sự hiểu biết lẫn nhau giữa VN và Mỹ, mặc dù tôi đã phải xử lý những vấn đề rất khó khăn và có những cuộc đối thoại rất khó khăn. Về lĩnh vực nhân quyền, chúng ta đã thấy những tiến bộ, nét tích cực từ phía VN như việc VN đã đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm nghèo hoặc mở rộng hoạt động của các nhóm tôn giáo. Tuy nhiên, cũng còn những điều quan ngại.

Tôi đã có nhiều dịp gặp ngài Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và lần nào chúng tôi cũng nói về nhân quyền. Nếu tôi không nêu vấn đề nhân quyền ra thì đích thân ngài Chủ tịch nước cũng nói đến vấn đề đó. Có nhiều điều hai bên chưa đồng ý với nhau nhưng có một điều mà cả ngài Chủ tịch nước và tôi cùng đồng thuận, đó là thông qua những trao đổi thẳng thắn cởi mở, chúng tôi sẽ cố gắng thu hẹp những bất đồng. Tôi cũng tự hào nói rằng mặc dù hai bên có những trao đổi thắng thắn về nhân quyền nhưng kết thúc chúng tôi vẫn coi nhau như những người bạn. Và tôi cũng muốn nói rằng thông qua đối thoại nhân quyền cũng như những đối thoại khác, chúng ta đã đến được một điểm: những vấn đề trước đây là nhạy cảm giờ đây không còn nhạy cảm nữa và chúng ta có thể trao đổi với nhau thoải mái. Nhờ vậy sự khác biệt giữa hai bên trước đây rất lớn cũng đã được thu hẹp dần.

Ông đánh giá thế nào về những thay đổi trong xã hội dân sự của VN?

Tôi thấy xã hội dân sự ở VN có những tiến triển tích cực nhất định. Ví dụ như việc Hiệp hội Luật sư Mỹ xin phép hoạt động tại VN từ 5 năm qua và mới đây họ đã được chấp thuận. Trong cuộc gặp chia tay của tôi với ngài Bộ trưởng Tư pháp VN, ông ấy nói mong muốn được hợp tác với họ. Ví dụ khác là việc một số nhóm tôn giáo đã được thực hiện công tác nhân đạo từ thiện như chăm sóc phòng, chống HIV/AIDS hoặc tham gia phòng, chống buôn người. Tôi cho rằng đây là những dấu hiệu tích cực.

Tuy nhiên, quá trình cho phép các tổ chức phi chính phủ (NGO) vào VN hoạt động hoặc thành lập các NGO ở VN diễn ra còn chậm và đây là quá trình cần cải thiện.

Mong Mỹ có nhiều tiền để giúp VN

Trong nhiệm kỳ của mình, ông tiếc nhất chưa làm được gì? Ông hình dung thế nào về quan hệ VN - Mỹ trong 15 năm tới?

Tôi mong ước là tôi đã có thể đóng góp nhiều hơn trong lĩnh vực nhân quyền. Tôi cũng ước là mình đã có thể giúp cho các trường đại học VN và Mỹ có thể hợp tác cùng nhau để có thể thành lập được một trường đại học kiểu Mỹ tại VN và đưa nhiều cán bộ quân đội VN sang học tập tại Mỹ. Tôi cũng mong ước là Mỹ có nhiều tiền hơn để có thể đưa thêm các chuyên gia y tế Mỹ sang VN, giúp VN phòng chống HIV/AIDS và cải thiện hệ thống y tế của VN. Tôi cũng ước gì VN đã mua thêm nhiều máy bay Boeing hơn (cười). Có nhiều điều tôi mong, chưa làm được nhưng tôi vẫn hài lòng vì những kết quả đã đạt được.

Trong 15 năm tới, mong muốn VN sẽ trở thành một nước hùng mạnh, phồn vinh độc lập và tiếp tục đi trên con đường đó. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là thế giới của tương lai và ở Đông Nam Á, VN là một trong những quốc gia quan trọng nhất. Tôi tin Mỹ là một đối tác tốt của VN và ngược lại. Chúng ta giúp đỡ nhau để cùng phát triển.

Nguyên Phong (ghi) - Báo Thanh Niên
 

[Trở về]

Các tin cũ hơn:
Tản mạn về cuộc sống (Ngày đăng: 14/08/2014 )
Văn hóa ứng xử của giới trẻ (Ngày đăng: 14/08/2014 )
Giáo dục công dân và đạo đức học sinh (Ngày đăng: 14/08/2014 )

TRƯỜNG THPT TRẦN CAO VÂN - THÀNH PHỐ TAM KỲ, TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Phường An Mỹ, Tp.Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại : 02353.812366 - Email: info@tcv.edu.vn