Sau đây là chia sẽ kinh nghiệm học tập của một bạn đọc, hiện là sinh viên trường FPT.Aptech. Tp.HCM .
:Làm sao để tự kiểm tra xem mình có hiểu bài chưa, làm sao để hiểu bài hơn, làm sao có thể ghi nhớ tốt hơn, và nhất là để có thể tìm lại, khôi phục được những thông tin mà ta đã học, một cách nhanh chóng và dễ dàng khi cần thiết.
Giải pháp cho nó chỉ là một mẹo nhỏ, mẹo nhỏ nhưng cũng rất hiệu quả, các bạn hãy áp dụng thử nha!
Nguyên tắc chung: Hiểu bài để ghi nhớ.
Cách ghi nhớ tùy thuộc vào thói quen hoặc cá tính của mỗi người, có bạn nhớ tốt nhờ dựa vào: hình ảnh, sơ đồ hoặc nghe đọc, ghi chép v.v… Nhưng dù ghi nhớ theo phương pháp nào, vai trò quan trọng nhất vẫn là sự “hiểu”. Không hiểu và hiểu không rõ là hai điều cản trở trí nhớ hoạt động hiệu quả. Bạn cố gắng “nhồi” thật nhiều, nhưng nếu chỉ ở mức độ “gần như hiểu”, “có vẻ hiểu” thì bạn có thể tạm nhớ nhưng chỉ được một thời gian rồi bạn sẽ quên mất. Ngược lại, nếu bạn hiểu sâu một điều gì, thì bạn không còn bận tâm về việc ghi nhớ điều đó, trí nhớ tự nó vận hành. Bạn chỉ cần nhận biết những ý chính của bài và thật sự hiểu, hiểu càng nhiều, hiểu càng kỹ thì độ ghi nhớ sẽ càng sâu.
Vấn đề là làm sao biết được mức độ hiểu của mình, liệu mình có thấu triệt được vấn đề mới học chưa? Cần bổ sung và chỉnh sửa thêm điều gì để sự tiếp thu đó tương ứng với sự mong muốn của bạn? Giải pháp cho nó chỉ là một mẹo nhỏ, mẹo nhỏ nhưng cũng rất hiệu quả, các bạn hãy thử áp dụng nha!
Bí quyết để học tốt hơn: Dạy người khác.
Các bạn đừng giật mình, bạn không bắt buộc phải trở thành nhà sư phạm thật sự đâu. Chỉ là vì, khi bạn học một cái gì đó mà bạn muốn: bạn có thể dạy nó lại cho một ai khác thì bạn sẽ học nó một cách hoàn hảo hơn và tập trung hơn mà thôi.
Thông thường theo thói quen, chúng ta có khuynh hướng lược bỏ đi những gì chúng ta cho rằng mình đã hiểu khi chúng ta tự vấn chính mình. Cảm thấy mình đã hiểu rồi hoặc dường như đã hiểu, bạn cho rằng thế là đủ!
Nhưng nếu bạn định dạy điều này cho người khác, bạn phải chú ý hơn, đào sâu hơn, có nghĩa là bạn phải diễn giải vấn đề này một cách đầy đủ và rõ ràng. Lúc này, lổ hổng kiến thức hoặc thiếu sót (nếu có) sẽ được phát hiện.
Một khi bài học được hiểu sâu, hiểu kỹ càng thì việc ghi nhớ và ứng dụng nó không còn là chuyện quá khó.
Để có thể dạy người khác, có thể giảng lại bài mà bạn vừa học cho một ai đó, không nhất thiết là phải có người học thật sự. Bạn có thể sử dụng mẹo này bằng 3 cách như sau:
- Giảng lại bài bằng cách nhẩm trong đầu: Trí nhớ của bạn hoạt động theo cách trở đi trở lại, tự đặt ra những câu hỏi cho chính mình hoặc lập lại những lập luận để loại bỏ dần những mối nghi ngờ cho đến khi thông suốt. Bạn có thể tận dụng mọi lúc, mọi nơi, mọi cơ hội rảnh rổi để “ghi nhớ” theo cách này. Ngoài ra, nó còn giúp bạn học thêm và nâng cao “kỹ năng vận dụng vào thực tế” nữa.
- Dạy người khác, giảng bài như một thầy/cô giáo: Nếu như bạn có thể làm cho vấn đề trở nên rõ ràng với người khác có nghĩa là vấn đề đó đã rõ ràng đối với bạn. Bạn đã hiểu, bạn có thể ghi nhớ và bạn sẽ dễ dàng sử dụng kiến thức này khi cần thiết.
Trường hợp bạn không có người cần bạn giúp đỡ để giải thích hoặc bạn không có nhóm học tập, bạn vẫn có thể học theo cách đứng để ôn bài, “giảng bài” như một giáo viên vậy. Bạn phải lập luận và giải thích cho người khác hiểu (dù người khác chỉ là tưởng tượng). Học theo lối chủ động này, bài học chắc chắn sẽ được bạn ghi nhớ tốt hơn. Ngoài ra, việc nói to và cố gắng truyền đi một thông điệp như vậy sẽ giúp bạn phát triển thêm “kỹ năng thuyết trình”, khả năng giao tiếp của bạn sẽ tốt hơn.
- Giảng dạy để học với cây bút: Bạn hãy ghi lại chính xác những ý mà bạn vừa mới học đươc, tiếp tục điền vào cho đầy đủ như là một dạng tóm tắt, một dàn bài chi tiết càng tốt. Sau đó, tiếp tục với một tờ giấy khác cho đến khi điều đó đúng với diễn tiến của buổi hoc, như là một giáo án. Đây là cách ghi nhớ bằng tay, rút ra tất cả những ý chính của bài học. Ngoài ra, học theo cách này, bạn có cơ hội rèn luyện “kỹ năng viết báo cáo và tham luận” của mình.
Các bạn có thể vận dụng mẹo này để áp dụng chung với các phương pháp giúp trí nhớ và những phương pháp khác đã giúp bạn học từ trước đến nay. Bạn có thể dùng mẹo "Học để dạy người khác" này đối với tất cả các môn bạn đang học.
Chúc bạn thành công.
Trương Chí Thông. (Sinh viên FPT.Aptech. Tp.HCM.).