Mode:         

















Chi tiết tin tức
Lang Bian - thị trấn cồng chiêng
Người đăng: .Ngày đăng: 14/08/2014 .Lượt xem: 3044 lượt.
Cùng đắm mình bên bếp lửa, say mê với những vũ điệu của núi rừng, hòa nhịp theo tiếng cồng chiêng mê hoặc của những nghệ sĩ địa phương, du khách sẽ cùng hòa vào không gian của lễ hội, của huyền thoại thị trấn cồng chiêng Lang Bian (Lâm Đồng).

Men của núi rừng

Tôi đã tìm về cái thị trấn nhỏ nằm dưới chân núi Lang Bian huyền thoại với chút tò mò: do đâu mà vùng đất này lại sản sinh được nhiều ca sĩ, nghệ sĩ đến thế.

Từng hồi chiêng được gióng lên với đủ âm sắc trầm hùng của cây rừng xào xạc, tiếng suối reo, thú chạy, tiếng rộn ràng của ngày mùa, lễ hội, tiếng tha thiết của tình cảm lứa đôi… Khách có thể cùng nhảy múa với các chàng trai, cô gái người Lạch, những “nghệ sĩ núi rừng” luôn hết mình… Từng xiên thịt nướng, ché rượu cần được mang ra. Các sơn nữ luôn tươi cười như đoá lan rừng với khách. Chàng trai Păngting Hà, 22 tuổi tâm sự, “Đêm nào không được múa, được hát, em cảm thấy buồn. Ban ngày chúng em là nông dân, đêm về được làm nghệ sĩ”.

Cái thị trấn bán kính chưa đầy 1km, có đến 16 đội cồng chiêng. Hầu như không nhà nào không có người tham gia các đội. Mỗi giàn cần ít nhất sáu chiêng, cả thị trấn có 86 chiêng cùng với trống, kèn, tù và… Cách Đà Lạt chừng 14 km, nếu du khách không vào được, các đội này sẵn sàng đến tận nơi.

Giản dị núi rừng

Việc hình thành một nhóm cồng chiêng ở đây nhiều khi cũng giản đơn: chẳng cần ông bầu, chỉ có 20 người cùng sở thích, đánh được nhiều loại nhạc cụ dân tộc cả truyền thống và nhạc cụ hiện đại như trống, organ, guitare… là họ ráp vào. Múa thì nói như một lão nghệ nhân trong buôn, “đã là con của núi rừng Lang Bian ai cũng biết, chúng nó được học từ trong bụng mẹ rồi”.

Các nhóm cồng chiêng thường chọn ra một người giỏi nhất để làm trưởng, kiêm dẫn chương trình (già làng). Tiền thu được sau khi trừ các chi phí được chia đều. “Cát sê” một đêm khoảng ba giờ, họ thu được từ 50.000 đến 70.000 đồng một người, gặp đoàn khách hào phóng thì được cao hơn.

 

 

Cồng chiêng truyền thống vốn phục vụ trong các lễ hội của buôn. Giờ đây, chuyện biểu diễn cồng chiêng ở Lạc Dương thành nguồn thu. Và nhờ đó, mọi du khách, mọi thời điểm quanh năm đều được bình đẳng thưởng thức. Chị Lệ, du khách đến từ Hà Nội, nói: “Lúc lên đường chúng tôi cũng không nghĩ mình sẽ được thưởng thức một bữa tiệc văn hóa như thế. Thật là thú vị”. Anh Nguyễn Công Hùng, hướng dẫn viên du lịch đến từ TP HCM thì nói thêm: “Các công ty thiết kế tour Đà Lạt luôn đưa mục giao lưu cồng chiêng vào vì đây là món khám phá không thể thiếu cho du khách”. Một quan chức của ngành du lịch của thành phố hoa cho hay, có khoảng 90% số du khách lưu trú tại Đà Lạt tham gia giao lưu cồng chiêng với đồng bào thiểu số.

 

Huyền thoại một tộc người

Bonneur Trinh đang là ca sĩ đang được yêu thích của làng ca nhạc hiện nay. Dì cháu K’razăn Út và Cill Pơi vượt qua gần 6.000 thí sinh khác trong cả nước để cùng 15 thí sinh khác bước vào vòng chung kết Sao Mai điểm hẹn 2003. Rồi K’razăn Dick, một giọng ca, nhạc sĩ của đoàn ca múa nhạc Lâm Đồng. Rồi K’razăn Doan, Liênghot Uyên Ly… Già làng Păngtinh Bốr tự hào: “Ở buôn này người hát hay như Bonneur Trinh không thiếu. Trinh cũng chưa phải là đứa hát hay nhất. Có đủ tiền đi thi, sẽ nhiều đứa thành công hơn”.

 


Thị trấn Lang Bian (Lâm Đồng). Ảnh: Tư liệu

 

Lý giải cho việc người Lạch ở đây có giọng ca hay, có giả thuyết cho rằng do họ sinh ra trên suối Lạch, nước suối nuôi mọi người lớn lên, nên Yàng phú cho giọng hát như chim rừng. “Nếu có một thống kê, chắc không ở đâu lại có nhiều ca sĩ, nghệ sĩ như thị trấn này”, K’razăn Dick vui vẻ nói.

Bất ngờ hơn, cũng cái thị trấn nhỏ bé, cứ khoảng 18 h, từng đoàn xe lớn, nhỏ, biển số nhiều địa phương kéo về, dừng trên tuyến đường chính, trong vườn hồng, sân nhà... Thiên hạ làm gì mà đông vui thế?

Khám phá cồng chiêng

Sau một ngày leo núi, vượt thác, ngắm hoa, chạy đuổi trong rừng thông…, tối đến, du khách sẽ được giao lưu với đội cồng chiêng. Những nghệ sĩ làng nhận được chút thù lao và chính dịch vụ này đã mở lối mưu sinh cho hàng trăm dân nghèo tại thị trấn heo hút, bốn mùa sương phủ này.

Từ một nhóm cồng chiêng ban đầu (1995), hôm nay Lạc Dương có đến ngót nghét 20 nhóm, với hơn 400 “diễn viên”, nghệ nhân biểu diễn, giao lưu hằng đêm, chưa kể các nhóm cồng chiêng “đem chiêng đi đánh xứ người” trong các khu du lịch ở Đà Lạt và cả ở Củ Chi (TP HCM). Thị trấn của người Lạch dưới chân núi này dường như có hai thế giới: ban ngày cần mẫn cuốc cày... đêm về bay bổng nghệ thuật.

Tôi vào điểm giao lưu cồng chiêng có tên rất ấn tượng Sơn Nữ Ca, nằm ngay cổng vào khu du lịch núi Lang Bian. Trong một không gian chưa bị “nhiễm” bởi thời đại số hóa, hai cô sơn nữ chính hiệu xinh như hoa rừng, cầm đuốc lồ ô đón từ ngoài đường vào khu vực dành cho biểu diễn. “Già làng” trong trang phục truyền thống với lời chào “niêm xá” mở màn đã giới thiệu chương trình trọn đêm cùng khách.

baodatviet.vn

 

[Trở về]

Các tin cũ hơn:
Xem Clip Trái đất và sự chuyển động (Ngày đăng: 14/08/2014 )
Phát hiện hang động lớn nhất thế giới tại Quảng Bình (Ngày đăng: 14/08/2014 )
Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân… (Ngày đăng: 14/08/2014 )
Ôn thi địa lý: đề thi mẫu môn địa lý tốt nghiệp THPT (Ngày đăng: 14/08/2014 )

TRƯỜNG THPT TRẦN CAO VÂN - THÀNH PHỐ TAM KỲ, TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Phường An Mỹ, Tp.Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại : 02353.812366 - Email: info@tcv.edu.vn