Mode:         

















Chi tiết tin tức
NGOẠI TÔI
Người đăng: .Ngày đăng: 14/08/2014 .Lượt xem: 2597 lượt.
Trong dòng chảy thời gian, ngoái đầu nhìn lại, lặng theo mơ tưởng và buồn xa xăm khi mình đánh mất cái gì quý giá, lòng tôi lại thao thiết về “ngày xưa có ngoại”

Đêm dài và tĩnh lặng. Tôi thao thức cùng dáng ngồi học bài của đứa con ở phòng bên. Hơn một lời nhắc nhở, gói bánh và hộp sữa tôi để nơi đầu tủ. Bất chợt mùi hương quen thuộc của bát cơm chiên thổi từ chốn xa xăm ùa về vương víu... Cổ họng nghẹn lại, tôi không giấu được những giọt nước mắt. Nhớ cái bóng lầm lụi từng canh giờ của ngoại khi ngọn đèn còn sáng trên bàn học của tôi. Cái ngày còn lắm khó khăn, không sẵn thức quà lót lòng cháu mỗi khuya. Một khúc sắn luộc, một củ khoai lùi nóng hổi. Cơm nấu thừa được bà chế biến dậy mùi béo thơm đủ sức làm ấm lòng tôi, ngày này qua ngày khác, không biết chán. Có ba mẹ chăm chút là niềm hạnh phúc. Với tôi, hạnh phúc đã nhân đôi vì có bàn tay ngoại.
 

Thế hệ của bà - những phụ nữ sinh ra những năm đầu của thế kỷ trước - gần như mù chữ. Nhưng bà được học hành, giàu có chữ nghĩa. Mỗi khi nghe bọn cháu đọc bài, biết chỗ nào trái ý, bà sửa lại. Bao câu chuyện cổ tích lũ chúng tôi được nghe từ bà. Thỉnh thoảng trong lúc chuyện trò với ai đó, bà lại chen vào vài câu thơ cổ, có khi vài tiếng Pháp. Cả nhà đi chơi, bà hỏi: “đi đâu mà dẫn cả pha-mi (famille)?”. Khi quyết định việc gì bà nói: “Bà đã nói rồi không có on, đơ, tờ-roa (on, deux, trois) chi cả...”. Bà khuyến khích chị em tôi học ngoại ngữ để “biết với thiên hạ”. Thích mùi trầu thơm, tôi hay xin ngoại ăn ké. Dẫu cũng chìa cho tôi một miếng nhưng không quên dặn dò “đừng ăn nhiều, vôi làm cứng lưỡi đọc tiếng Anh, Pháp không hay”. Thương bà cuộc đời không bằng phẳng, đứt gánh giữa đường, quảy các con một mình vào cuộc mưu sinh xứ người. Các cậu lớn lên cũng đi xa, bà sống cùng với mẹ tôi rồi với cả gia đình chúng tôi. Từng đứa cháu ngoại ra đời được bà hơ hấp, ấp iu. Chị em tôi đứa nào cũng quấn quýt bà. Có bà cửa nhà ấm áp bình yên. Nhắc chuyện xưa tích cũ để dạy bảo con cháu đối nhân xử thế. Bà gieo mầm thiện trên mảnh đất trẻ thơ chúng tôi. Biết ăn chay từ sớm để “bớt sát sanh” và cho tâm lành vững. Bạn bè tôi mỗi lần ôn lại thời đi học thường phân bì tôi chỉ lo chúi mũi vào sách vở, ỷ lại có bà lo cơm nước. Những bữa ăn đạm bạc rau củ lại thành “món ngon nhớ đời”. Sau này, vào bếp mỗi ngày tôi vẫn không khơi được cái cảm giác ấy cho những người thân yêu của mình - kể cả món cơm chiên mà tôi muốn bắt chước bà dành cho con khắc học khuya. Lòng bà rộng, trân quý từng “hạt ngọc trời”, gửi gắm vào đó tình thương trong vắt cùng niềm mong ước đứa cháu thành tài. Mỗi lần nhắc về quê hương, cái làng Bất Nhị (Điện Phước – Điện Bàn), nhắc về tộc Phạm, bà không giấu niềm tự hào sáng rỡ trong ánh mắt đã loang chiều. Những người cháu của bà đã tiếp nối sự học, học giỏi có tiếng như Phạm Ngọc Uyển, Phạm Ngọc Cừ, Phạm Ngọc Đính…
Tôi nhớ lần đầu tiên đi học xa nhà, sợ níu lòng cháu, bà không khóc lại luôn miệng dỗ dành “ráng học cho giỏi”. Mình tôi ra Huế thấm cái lạnh mùa đông lê thê. Nghe mưa rưng rức buồn đến khóc. Đường đèo cách trở chuyến xe về cũng khó. Ngóng tin nhà, ngóng tin bà. Nhận được món quà quê từ người quen trao lại cảm động vỡ òa. Gọi là thư thật ra chỉ mảnh giấy vở học trò với những nét chữ cứng cỏi: “Ngoại gởi lời thăm cháu. Chúc cháu sức khỏe và phấn đấu học tập vì tương lai của cháu. Còn ngoại, ba mẹ cùng các em đều mạnh. Gởi quà cho con: bắp ngào đường, muối mè, xôi nấu chín, khoai lang khô. Con có gởi cho ngoại 2 đồng. Ngoại cảm ơn cháu”. Năm ấy bà đã bảy mươi tám tuổi. Mười bốn năm sau bà theo mây trời gió núi. Trong chừng ấy năm, lũ cháu lớn khôn học hành đến nơi đến chốn. Nhờ “cơm cha áo mẹ” và “công bà”.
Mỗi lần đọc lại lời ngoại vỗ về tôi cứ bâng khuâng xa vắng... Ngày trước, thương bà chỉ biết lo học, chỉ biết cầm bàn tay nắn từng ngón nhăn nheo, chỉ biết chui vào ngủ với bà có lò than sưởi ấm đêm lạnh. Bây giờ có thể mua một tấm áo đẹp, chiếc khăn mềm hay thức ngon vật lạ thì đâu còn ngoại để trao. Tôi có lỗi khi mải cuốn trong vòng quay công việc, nhiều lúc định trò chuyện cùng bà như những ngày còn bé. Rồi cũng quên nhanh. Đâu chỉ một nụ cười, vài lời thăm hỏi là đủ. Cũng có thể, cứ nghĩ rằng chỉ lũ cháu lớn lên thôi còn bà thì đứng lại mãi với thời gian. Bà không có tuổi dẫu đi qua cõi đời gần trọn thế kỷ. Ngôi nhà của chúng tôi từng ở vẫn như thuở bà còn sống chỉ có chiếc ghế vuông đặt trước hiên được cất đi. Mất một chỗ ngồi mỗi sớm chờ nhận thư người thân, tờ báo mới để được đọc trước, mỗi chiều ngóng từng đứa cháu đi về. Hình ảnh bà có thực, thực cả dáng hình, thực ở tấm lòng vẫn còn đó đẹp như giấc mơ. Bà sinh ra để tảo tần và nhận lãnh hy sinh.
Ai cũng có một người bà để yêu để quý. Chợt giật mình vì có lúc vô tâm. Ý nghĩ ấy vẫn cứ đến với tôi khi dạy Đò Lèn của Nguyễn Duy. Nước mắt tràn theo thơ. “Khi tôi biết thương bà thì đã muộn/ Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”. Sẻ chia cùng học trò dưới kia lời tự thú chân thành. Có mắt nhìn đồng cảm. Có mái đầu cúi lặng. Nhà thơ như nói hộ ta lời tạ lỗi trễ tràng. Vẫn còn đó chân trời xanh biếc trong hồn tuổi nhỏ. Hãy hết lòng yêu thương để không bao giờ ray rứt vì “đã muộn” với bà nghe em...

Năm tháng trôi qua, bà lặng vào sương khói hư vô nhưng còn đọng lại trong tôi khoảng trời cổ tích “ngày xưa có ngoại”.

                                                                                                                HỒ THỊ NGUYỆT THANH
 

[Trở về]

Các tin cũ hơn:
Mẹ và chùm nhớ (Ngày đăng: 14/08/2014 )

TRƯỜNG THPT TRẦN CAO VÂN - THÀNH PHỐ TAM KỲ, TỈNH QUẢNG NAM
Địa chỉ: Phường An Mỹ, Tp.Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam
Điện thoại : 02353.812366 - Email: info@tcv.edu.vn